Ca sĩ: Giao Linh

Giao Linh (tên khai sinh: Đỗ Thị Sinh, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1949) là một nữ ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng người Việt Nam, bà thành danh từ những năm thập niên 60 tại Sài Gòn thuộc Việt Nam Cộng hòa. Bà được báo chí Việt Nam Cộng hòa đương thời mệnh danh là "Nữ hoàng sầu muộn" do tiếng ca và phong cách biểu diễn trầm buồn của bà. Vào thập niên 1980, Giao Linh cộng tác với ca sĩ Tuấn Vũ tạo nên một cặp song ca cực kỳ nổi tiếng trong làng băng đĩa.

Giới thiệu chi tiết Ca sĩ: Giao Linh

Bà sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình nghèo gồm bảy anh chị em nhưng không ai tham gia lĩnh vực nghệ thuật. Cha quê ở tỉnh Hà Nam; mẹ quê ở tỉnh Quảng Bình nhưng đã di cư vào miền Nam Việt Nam từ bé. Bà đam mê ca hát từ thuở nhỏ, và mẹ bà vẫn lén cho bà đi học thầy cổ nhạc dù rằng cha cấm đoán. Tuy vậy, Giao Linh tâm sự bà vẫn yêu thích tân nhạc hơn.

Trước 1975
Trong một chuyến đi chơi Đà Lạt vào năm 1965, khi Đỗ Thị Sinh bày tỏ ước muốn ca hát của mình với người bạn thân và xin tư vấn đặt nghệ danh thì người bạn gợi ý tên "Giao Linh" vì tin rằng "nghệ danh này sẽ gặp nhiều may mắn"; "Giao Linh" có ý nghĩa là "hai tâm hồn giao nhau".
Thấy bà hát hay, người anh kết nghĩa là nhạc sĩ Ngọc An dẫn bà xin vào làm ở hãng hàng không Air Vietnam ở vị trí nhân viên soát vé, khi nào đoàn văn nghệ của hãng thiếu người thì bà thế vào. 3 tháng sau, Giao Linh bắt đầu nghiệp cầm ca kể từ dấu mốc giành huy chương vàng khi đại diện đoàn Air Vietnam tham dự chương trình văn nghệ của đoàn "Kim Hoàng - Như Mai" vào năm 1966. Trong một buổi giao lưu văn nghệ cũng trong năm này, nhạc sĩ Thu Hồ nghe được giọng hát Giao Linh và hẹn bà hôm sau lên hãng đĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để thử giọng, mở ra cơ hội giúp Giao Linh ký được với hãng Continental hợp đồng thu đĩa độc quyền trong 3 năm. Bà luôn ghi ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vì bản hợp đồng có giá trị lớn lao: 150.000 đồng, so với lương tầm trung là 4.600 đồng/tháng ở Air Vietnam trước đó, xét hoàn cảnh của một cô gái trẻ nhà bình dân lao động nghèo. Giao Linh từng dành 2 năm để học cổ nhạc theo mong muốn của nhạc sĩ, song bà cho rằng mình "không có duyên" với thể loại này. Một ví dụ về dĩa tân cổ có Giao Linh tham gia hồi đầu là EP Continental Hận tình Tô Ánh Nguyệt với tân nhạc Ngọc Sơn, vọng cổ Yên Sơn, hát chung với Ngọc Giàu, Hữu Phước, Thành Được và Tuyết Hồng, được phát hành năm 1966.
Chỉ 3 tháng đi hát Giao Linh đã nổi tiếng, được báo chí đánh giá là "ca sĩ có đôi hài 7 dặm". Hãng Continental có chương trình đào tạo riêng cho bà, chọn lựa kĩ bài hát sao cho phù hợp với giọng bà, và thế là sau này phần lớn các bài đó đều gắn với sự nghiệp của Giao Linh như "Thầm kín", "Mùa sao sáng" (Nguyễn Văn Đông), "Một loài chim biển" (Nguyễn Vũ), "Không bao giờ quên anh" (Hoàng Trang), "Màu tím pensée" (Ngọc Sơn & Đài Phương Trang), "Nửa đêm khấn hứa" (Tuấn Hải),.. Giao Linh từng kể rằng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đặt ra yêu cầu rất khắt khe, có lần yêu cầu bà phải thu âm một ca khúc đến 48 lần đến khi thu đạt mới thôi.
Năm 1970, hết hạn hợp đồng, Giao Linh tiếp tục cộng tác thêm với nhiêu hãng đĩa khác.[9] Bà cộng tác với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở cả 2 hãng dĩa Continental và hãng dĩa Sơn Ca, được hãng Sơn Ca làm cho băng nhạc Sơn Ca 6 dành riêng cho bà đơn ca.

Sau 1975
Năm 1982, Giao Linh rời Việt Nam sang Canada để đoàn tụ với gia đình. Tiệm phở "Linh" ở Toronto là nguồn sống chính của gia đình bà. Bà kết hôn năm 1987 và về sau thì sang định cư ở San Jose, California, Hoa Kỳ. Bà đi hát nhiều nơi và thu âm nhiều băng đĩa cho các trung tâm ca nhạc, ngoài ra có các CD với nhãn hiệu Trung tâm Băng nhạc Giao Linh (Giao Linh Productions) của chính bà tại Westminster, California.
Năm 1988, có người quen đưa một cuốn băng ca sĩ Tuấn Vũ cho bà nghe. Thấy đặc biệt nên bà hẹn gặp ông, để rồi Giao Linh tự gom góp tài chính thu một cuốn băng song ca với Tuấn Vũ tựa là Đôi mắt người xưa. Băng bán rất chạy, đại lý khắp nơi hỏi làm bà trả lời không xuể. Sau Giao Linh nhượng lại bản quyền cho trung tâm Giáng Ngọc, và băng đĩa Đôi mắt người xưa bán được hàng chục ngàn bản ngay lần in đầu.
Năm 2000, Giao Linh trở về Việt Nam biểu diễn. Tương tự hồi ở Canada, bà cũng mở một quán phở ở Quận 10 nhưng quán đã ngưng phục vụ do Giao Linh quá bận rộn với công việc. Ghi chú thêm rằng trước năm 1975, địa chỉ của Giao Linh ở đường Nguyễn Kim, cũng thuộc Quận 10, Sài Gòn. Cho đến nay, giọng ca Giao Linh vẫn tiếp tục phục vụ khán thính giả yêu nhạc khắp mọi nơi, tham gia một số chương trình truyền hình và các hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào mình.
Trong đời Giao Linh có ba người thầy lớn là nhạc sĩ Thu Hồ, Nguyễn Văn Đông và Ngọc Sơn