Giới thiệu chi tiết Ca sĩ: Thanh Lan
Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1948 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Thuở nhỏ, Thanh Lan học tại trường trung học phổ thông Marie Curie, sau đó bà theo học Đại học Văn khoa Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1973. Sau 1975, Thanh Lan ở lại Việt Nam tiếp tục ca hát và đóng phim. Cuối năm 1993, cô sang định cư tại California, Hoa Kỳ. Ngày 21 - 7 năm 2017 Thanh Lan về Việt Nam sau 25 năm định cư tại hải ngoại để làm Liveshow 'Khi Xưa Ta Bé" tại Thành phố Hồ Chí Minh. Âm nhạc Thanh Lan tham gia nghệ thuật từ rất sớm. Từ năm 9 tuổi, bà học dương cầm với các sơ ở trường Saint Paul, sau đó được vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn. Từ khi còn là nữ sinh của trường Marie Curie, Thanh Lan đã bắt đầu hát trên đài phát thanh VTVN trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức và tham gia trong ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà - đây cũng là một ban nhạc có khuynh hướng Việt hóa nhạc trẻ đầu tiên ở Sài Gòn. Sau ban Việt Nhi, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh sinh viên Nguồn Sống. Bà thường hát dân ca và nhạc tiền chiến và ghi tên học các lớp dân ca và đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài Gòn. Trong chương trình văn nghệ học đường quay hình trên đài Truyền hình Sài Gòn, Thanh Lan xuất hiện trong tiết mục dân ca ba miền và liền sau đó đã được đài truyền hình liên tiếp mời tham gia chương trình nhạc tình ca. Đó là những năm 1967, 1968 khi Sài Gòn mới có những chương trình truyền hình đầu tiên. Ngay từ khi vào năm thứ nhất của Đại học Văn khoa, Thanh Lan bắt đầu trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Bà tham gia hát trong rất nhiều băng nhạc, hình ảnh Thanh Lan cũng hiện diện trên các bìa bản nhạc bày khắp nơi. Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam, Thanh Lan là một trong những khuôn mặt quen thuộc nhất với những ca khúc lời Pháp. Thanh Lan còn hát chung với nam ca sĩ Nhật Trường qua những tình khúc của Trần Thiện Thanh tạo thành cặp song ca ăn khách, rồi hai nghệ sĩ này còn đóng chung với nhau qua hai bộ phim truyền hình Trên đỉnh mùa đông và Mộng Thường do Nhật Trường viết kịch bản và đạo diễn phát sóng trên đài truyền hình Sài Gòn trước năm 1975. Bà cũng đi lưu diễn ở một số nước trên thế giới. Năm 1973, tại Nhật Bản, cùng đi với hai nhạc sĩ Ngọc Chánh và Phạm Duy, Thanh Lan đã trình bày ca khúc "Tuổi biết buồn" được vào chung kết tại Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo.[1] Bà còn ở lại Tokyo để thu âm hai bài "Ai no hio Kesanaide" và "Tuổi mộng mơ" của Phạm Duy, được dịch sang tiếng Nhật là "Yume o Miruno". Sau vài năm gián đoạn từ 1975, Thanh Lan lại tiếp tục hoạt động bên lĩnh vực ca nhạc, nổi tiếng với các bài hát như: "Cô đi nuôi dạy trẻ", "Đi qua vùng cỏ non", "Phượng hồng", "Em đi chùa Hương", "Triệu đóa hoa hồng", "Khi xưa ta bé (Bang bang)", "Trở về mái nhà xưa (Come back to Sorrento)", "Búp bê không tình yêu", "Giàn thiên lý đã xa", "Samba Mambo", "Trưng Vương khung cửa mùa thu". Bà tham gia hát nhiều nơi như Đoàn Kim Cương, đoàn Bông Hồng, đoàn Hương Miền Nam... Thanh Lan cũng tổ chức những buổi biểu diễn riêng như Tiếng hát Thanh Lan vào năm 1991 tại sân khấu 4A ngoài trời Nhà Văn hóa Thanh niên, Đêm nhạc Thanh Lan vào năm 1992 tại hội trường 1 Nhà Văn hóa Thanh Niên. Thanh Lan đã từng thu âm băng nhạc cho các hãng băng như: Sài Gòn Audio, Bến Thành Audio, Vafaco, Phương Nam phim, Trẻ, Phú Nhuận... Cuối năm 1993, Thanh Lan sang định cư tại Mỹ và tiếp tục tham gia các hoạt động văn nghệ. Bà đi trình diễn ở các tiểu bang của Hoa Kỳ và hợp tác thu âm cùng rất nhiều hãng đĩa. Bà từng đứng ra thực hiện riêng cho mình các CD, VCD, DVD ca nhạc, trong số đó có nhiều nhạc phẩm do bà soạn lời Việt từ những nhạc phẩm Pháp nổi tiếng.