Ca sĩ: Trúc Mai

Trúc Mai (sinh ngày 29 tháng 12 năm 1942) là một nữ ca sĩ người Mỹ gốc Việt, nổi tiếng từ trước năm 1975. Bà là một trong những giọng ca tiêu biểu của nền Tân nhạc Việt Nam trong giai đoạn thập niên 1960 - 1970

Giới thiệu chi tiết Ca sĩ: Trúc Mai

Ca sĩ Trúc Mai, hiện vẫn chưa rõ tên thật, sinh ngày 29 tháng 12 năm 1942 [2] tại Gia Định, nhưng được bố mẹ đưa về nguyên quán Thủ Đức từ năm cô được 3 hoặc 4 tuổi. Cô xuất thân là đồng nhi hát ở Nhà thờ Thủ Đức (hiện nay vẫn còn, ngụ ở 51 Võ Văn Ngân, Linh Chiểu, Thủ Đức), khi hát trong nhà thờ, cô luôn giữ vai trò hát bè chứ chưa bao giờ được hát solo, cô có học qua Thanh nhạc từ thuở còn học Trung học.

Sự nghiệp
Trúc Mai bắt đầu đi hát từ những năm cuối thập niên 50. Thời gian này cô chủ yếu sinh hoạt văn nghệ tại các trường, các trại quân đội.
Tháng 6 năm 1959, cô từ giã sân chơi ở các ban ngành trong quân đội, gia nhập hàng ngũ những đồng nghiệp đi trước, bước vào thế giới ánh đèn màu của vũ trường phòng trà ca nhạc và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Phòng trà đầu tiên mà cô cộng tác là Văn Cảnh.
Cô bắt đầu nổi tiếng và được nhiều người biết đến vào thập niên 60. Người ta hay nhắc tới ca khúc “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và “Sài Gòn” của nhạc sĩ Y Vân khi nhắc đến tên tuổi Trúc Mai. Hai ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của cô trong nhiều thập niên. Khi hãng dĩa Sóng Nhạc cho thu âm hai ca khúc này với giọng hát Trúc Mai, giới yêu nhạc đã đón nhận nồng nhiệt. Cả hai dĩa nhạc đã được tái bản nhiều lần và thậm chí còn được dùng để phát hành chung với những ca khúc mới trong những dĩa nhạc khác.
Trúc Mai có thể hát nhiều loại nhạc khác nhau và hát rất hay. Người ta nghe cô trình bày những bài nhạc ngoại quốc đang thịnh hành bằng lời Việt hay những bài nhạc tiền chiến nhẹ nhàng rất thành công. Tại miền Nam trong hai thập niên 60 và 70 thì không thể nào quên giọng ca Trúc Mai qua ca khúc “Giấc Ngủ Cô Đơn” của nhạc sĩ Anh Bằng và Lê Dinh. Đây là một bài hát theo chủ đề Chiêu Hồi và tiếng hát Trúc Mai thật sự đã lột tả được nỗi niềm của những người vợ cô đơn, ôm con nhớ chồng xa xôi nơi đèo heo hút gió. Bài hát đã vượt qua khỏi biên giới của một ca khúc tuyên truyền và được công chúng yêu thích và yêu cầu nên được phát thường xuyên trên các làn sóng phát thanh và truyền hình cũng như trong các băng nhạc thời bấy giờ.
Cô tâm sự là thích hát nhạc điệu Bolero nên trung thành với sở thích của mình. Quyết định này có thể không làm tên tuổi Trúc Mai tiến xa trên con đường âm nhạc nhưng cũng đã tạo cho cô một vị trí nhất định trong lòng công chúng.
Sau 1975, Trúc Mai theo dòng di tản của người Việt và đến định cư tại San Jose, California, Hoa Kỳ và cũng có trình làng một số albums. Thỉnh thoảng cô vẫn xuất hiện trên chương trình của các trung tâm lớn tại hải ngoại.