Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn (28 tháng 2 năm 1939 – 1 tháng 4 năm 2001) là một nam nhạc sĩ người Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc và nằm trong danh sách những nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam có lượng đĩa bán chạy nhất. Hiện nay chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc).[2] Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly, danh ca gắn liền tên tuổi với hàng trăm ca khúc của ông và thế hệ sau này là Hồng Nhung. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ, một diễn viên và một ca sĩ (ông từng biểu diễn một số bài hát do chính mình sáng tác).

Giới thiệu chi tiết Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn

Cuộc sống thời niên thiếu
Ông nguyên quán ở làng Minh Hương, xã Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông lớn lên tại Huế. Lúc nhỏ ông theo học các trường Lycée Français và Providence ở Huế, sau vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lycée Jean Jacques Rousseau và tốt nghiệp tú tài tại đây.
Năm 1957, khi 18 tuổi, ông bị một tai nạn, khi đang tập võ judo với người em trai, ông bị thương nặng ở ngực, suýt chết và phải nằm liệt giường gần hai năm tại Huế. Cũng theo một nguồn tin khác như lời kể của bà Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ): "Năm anh Sơn 18 tuổi, ba mất, để lại mẹ và bảy người em. Lúc đó, anh còn quá trẻ, không biết phải làm sao. Mấy tháng liền, trời nắng chang chang, anh lên mộ ba ngồi cả ngày. Anh ốm nặng một trận. Khi khỏi, anh nhờ má mua cho cây đàn để viết nhạc". Bà Trịnh Vĩnh Trinh kể ở tuổi 18, trở thành trụ cột gia đình, Trịnh Công Sơn loay hoay không biết phải bắt đầu thế nào. Ông mua rất nhiều sách để đọc và dạy các em. Ông bắt năm em gái tập đi mỗi sáng với một quyển sách được đặt trên đầu, phải bước đi sao cho duyên dáng, khoan thai. Ông coi trọng lễ nghi, luôn dặn dò các em không được gắp thức ăn trước người lớn trong bữa cơm, không được chống hai tay trên bàn khi có bề trên. Ông nghiêm khắc, từng đánh đòn em nhưng sau này, ông hối hận nói: "Lúc đó anh còn trẻ quá, chẳng biết làm sao". Thời gian nằm bệnh, ông đọc nhiều sách về triết học, văn học, tìm hiểu dân ca. Ông từng thổ lộ: "Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy".
Theo ông cho biết, ông sáng tác bài Sương đêm và Sao chiều vào năm 17 tuổi. Nhưng tác phẩm được công bố đầu tiên của ông là Ướt mi, do nhà xuất bản An Phú phát hành vào ngày 20 tháng 9 năm 1960 và qua giọng ca Thanh Thúy.
Năm 1961, vì muốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự nên ông thi và theo học ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Ông là một trí thức đấu tranh tích cực cho phong trào hòa bình tại miền Nam. Năm 1968, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gặp quân nhân miền Bắc trong 26 ngày đêm tranh giành Huế. Vào năm 1970, ông đã tham gia phong trào Tự quyết với Ngô Kha, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San.

Sự nghiệp
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến hơn, từ khi ông cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn, một quán cà phê đơn sơ dựng trên bãi đất cỏ sau Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn do nhóm sinh viên mang tên Khai Hóa trong phong trào phục vụ thanh niên xã hội chủ trương, từ cuối năm 1966. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly. Ông kể: "Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly", còn Khánh Ly kể lại giai đoạn cơ cực đói khổ nhưng đầy hạnh phúc những năm 1960 ấy: "Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn".
Một số bài hát của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng Nhật Bản năm 1970 như "Diễm xưa" (do Khánh Ly biểu diễn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt), "Ca dao Mẹ", "Ngủ đi con". Riêng bài Ngủ đi con đã phát hành trên hai triệu đĩa than. Vì lời lẽ trong nhiều bài hát của ông có tính chất phản chiến, nhà cầm quyền Việt Nam Cộng hòa đã cấm lưu hành vài tác phẩm của ông. Theo tác giả Ban Mai, trong cuốn "Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng", nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến bị cả hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa cấm lưu hành Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng không tán thành thái độ phản chiến của ông về chiến tranh, vốn mang tính "chủ hòa, ủy mị", làm nản lòng những người đang đấu tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước. Theo tác giả Ban Mai, trong cuốn "Trịnh Công Sơn – vết chân dã tràng", Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì có những người phê phán ông vì coi ông là "thiếu lập trường chính trị", có những người cực đoan đòi sau khi tiến về Sài Gòn sẽ "xử tử" ông.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài "Nối vòng tay lớn". Cũng chính ông là người trưa ngày 30/4 đã đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Trong bài phát biểu, ông kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Sự nghiệp sáng tác
Trịnh Công Sơn sáng tác được khoảng hơn 600 ca khúc[30], tuy nhiên tới tháng 4 năm 2017 chỉ có 77 bài được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép.[31] những tác phẩm có ca từ độc đáo, mang hơi hướng suy niệm. Theo Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam Chi nhánh phía Nam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là tác giả được trả tác quyền nhiều nhất với hơn 820 triệu đồng trong năm 2015 và luôn trong top 5 nhạc sĩ có tiền trả tác quyền cao nhất.
Tuy nhiên, có một đánh giá khá phổ biến cho rằng phần nhạc của Trịnh Công Sơn quá đơn điệu về đề tài, chủ yếu tập trung vào tâm trạng mơ hồ, mộng tưởng. Đánh giá này trùng khớp với lời lý giải của ông về sự sáng tác của mình: "Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...". Hai mảng đề tài lớn nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn là tình yêu và thân phận con người.